Không thể xuất khẩu được, nông sản phải tìm hướng đi nào trên thị trường nội địa?

Đại dịch Corona không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân toàn cầu mà còn khiến cho nền kinh tế nhiều quốc gia phải điêu đứng. Rất nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực vì đại dịch này. Tại Việt Nam, xuất khẩu nông sản đang bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

(Thanh long rớt giá trầm trọng)

Nông sản “bí” đường xuất khẩu

Đại dịch Corona đã khiến cho tất cả các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đều đóng cửa, hoạt động xuất khẩu hàng hóa bị ngừng hẳn để kiểm soát dịch. Hàng loạt các xe hàng nông sản mắc kẹt, ứ đọng ở các cửa khẩu. Tình trạng này khiến cho nhiều mặt hàng nông sản của nước ta lâm vào tình cảnh “bí” đường xuất khẩu.

Rất nhiều loại nông sản đang là thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như: Dưa hấu, thanh long, ớt ngọt, cà chua… đều tồn dư với số lượng khổng lồ. Nông dân lâm vào cảnh khốn đốn không biết xoay xở như thế nào?

(Nông sản tắc ở cửa khẩu vì corona)

Nông dân phải đổ bỏ nông sản

Đối với các nông sản xác định trồng để xuất khẩu thì cần phải đầu tư nhà kính, hệ thống hỗ trợ canh tác tiêu chuẩn. Do vậy, khi không thể xuất khẩu được mà giá bán trong nước lại quá rẻ thì nhiều hộ nông dân đành chấp nhận đổ bỏ.

Thanh long chỉ 1000đ đến 1.200đ/kg rẻ như cho trong khi trước đó thương lái Trung Quốc trước đó thu mua Thanh Long với giá 40.000đ đến 49.000đ/kg. Dưa hấu cũng là một loại hoa quả rớt giá trầm trọng vì dịch Corona. Còn ớt ngọt ở Đà Lạt chỉ có 8000đ/kg trong khi giá nhiều năm nay là 30.000đ/kg. Hay giá cà chua cũng chỉ còn 6000đ/kg so với giá cuối năm 20.000đ/kg, hành tây thì chỉ có 2000đ/kg. Với mức giá đó, nhiều hộ nông dân xác định thà đổ bỏ còn hơn mất thời gian bày bán, vận chuyển.

(Giải cứu dưa hấu giúp nông dân thu hồi vốn)

Hàng loạt siêu thị “giải cứu” nông sản

Để giúp nông dân vượt qua cơn bão virus corona, hàng loạt siêu thị đã bắt tay vào giải cứu nông sản. Đây là giải pháp đầy tính nhân văn để giúp nông dân thu hồi một phần vốn. Điển hình như siêu thị Big C, Go, Vinmart, Lotte Mart, Saigon Co.op… đều chạy chương trình chung tay giải cứu thanh long, dưa hấu, bán hàng không lợi nhuận. Mặc dù sản lượng nông sản tiêu thụ qua kênh siêu thị những ngày qua tăng đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay kênh siêu thị vẫn chưa thể bán hàng ồ ạt được vì kênh tiêu thụ nông sản lớn vẫn là các kênh chợ đầu mối và chợ truyền thống.

(Siêu thị giải cứu dưa hấu)

Không chỉ có các siêu thị mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistic cũng hỗ trợ nông dân bằng cách giảm khoảng 20% phí vận chuyển, lưu kho lạnh… Ngoài ra, cũng rất nhiều tổ chức từ thiện đứng ra kêu gọi giải cứu, giúp nông dân bán hàng tại các điểm bán hàng tập trung. Mặc dù tỷ lệ thu hồi vốn chưa cao nhưng những động thái này đã giúp nông dân bớt “khủng hoảng” trong mùa dịch.

(Siêu thị giải cứu thanh long)

Với diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Corona, muốn hỗ trợ nông dân hơn nữa, các ban ngành cần phải vào cuộc sát sao hơn,  có những chỉ đạo kịp thời hơn để tìm ra hướng đi thực sự cho nông sản trong thời gian sắp tới.